Thứ Hai, 28 tháng 4, 2025

 “Con ghét ngài, Phanxicô” – Bức thư xé lòng gửi Đức Thánh Cha Phanxicô của Juan “Chili” Obando, Giám đốc Caritas Giáo phận Río Gallegos, Argentina

Sự ra đi của Đức Phanxicô vào ngày 21/4/2025 vừa qua đã để lại biết bao thương nhớ và luyến tiếc cho nhiều người. Juan “Chili” Obando, Giám đốc Caritas Giáo phận Río Gallegos-Argentina, đã viết một bức thư đầy xúc động như một cách “giải bày” tâm tư sau sự ra đi của Đức Thánh Cha Phanxicô. Trong thư, ông đan xen giữa nỗi đau và lòng biết ơn đối với vị Giáo hoàng đã đổi mới bộ mặt Giáo hội bằng đời sống đơn sơ và sự dấn thân cho những người nghèo nhất. Bức thư nhanh chóng lan tỏa và lay động con tim của nhiều tín hữu khắp đất nước.

Sự ra đi của Đức Thánh Cha Phanxicô, Jorge Mario Bergoglio, ở tuổi 88, đã gây nên nỗi buồn sâu sắc cho toàn thế giới. Từ Río Gallegos, Juan “Chili” Obando đã cất lên tiếng lòng qua một bức thư mang tựa đề mạnh mẽ: “Con ghét ngài, Francisco.”

Hơn cả một lời trách móc, bức thư ấy chính là lời tuyên xưng tình yêu sâu sắc dành cho vị Giáo hoàng đã làm bừng sáng niềm hy vọng trong lòng Giáo hội.

“Con yêu ngài đến nỗi chỉ có thể viết ra như thế: bằng cơn giận hờn của tình yêu, bằng những lời đầy đau đớn, vì chính ngài đã khiến chúng con đau,” Obando chia sẻ khi giới thiệu bức thư đã nhanh chóng lan truyền trong cộng đồng Giáo hội.

Trong thư, Obando nhắc lại những nét đơn sơ và mang tính cách mạng của Đức Thánh Cha Phanxicô. Ông trìu mến ca ngợi lòng khiêm nhường, sự gần gũi với người nghèo, và sự chọn lựa ưu tiên cho những vùng ngoại vi của ngài.

“Con ghét ngài, Phanxicô, vì ngài không chỉ là một Giáo hoàng, ngài còn là một cơn khuấy động,” ông viết, rồi kể lại cách Đức Bergoglio phá vỡ những khuôn mẫu cố hữu: chọn sống trong căn phòng đơn sơ tại Nhà Santa Marta thay vì dinh thự Giáo hoàng, dùng bữa cùng nhân viên thay vì với các hồng y, và chọn tước hiệu “Phanxicô” – gợi nhớ đến Thánh Phanxicô khó nghèo.

Obando cũng nhấn mạnh những cử chỉ đã định hình triều đại Đức Phanxicô: sự gần gũi với người di cư tại Lampedusa, những giọt nước mắt cho các nạn nhân thiệt mạng trên Địa Trung Hải, cái ôm dành cho cộng đồng LGBT, và sự bảo vệ không ngừng dành cho tù nhân cũng như những người bị xã hội gạt ra bên lề.

"Con ghét ngài vì ngài đã ôm lấy những người đồng tính, cộng đồng LGBT, những người từng bị loại trừ," Obando viết, nhấn mạnh sự cởi mở mục vụ đặc trưng nơi vị Giáo hoàng Argentina.

Trong bức thư đầy xé lòng, Obando đan xen giữa sự châm biếm và nỗi đau sâu sắc để diễn tả nỗi trống vắng: "Con ghét ngài vì giờ đây ngài đã trở thành hạt giống. Và hạt giống, như chúng ta biết, phải được chôn vùi, chịu đau đớn, biến mất... rồi mới bừng nở thành sự sống."

Ông cũng bày tỏ nỗi buồn của nhiều người Argentina vì chưa từng được đón tiếp Đức Thánh Cha trên quê hương: "Con ghét ngài vì ngài đã không đến Argentina. Ngài để chúng con chờ đợi trong hy vọng. Ngài buộc chúng con phải yêu ngài từ xa."

Xuyên suốt bức thư, Obando nhấn mạnh rằng di sản của Đức Phanxicô sẽ không bao giờ phai mờ: "Ngài đã khiến con tin rằng Giáo hội có thể trở nên giống Chúa Giêsu hơn," ông bộc bạch.

"Con ghét ngài, vì cái chết của ngài không phải là sự vắng mặt, mà là một lời thách thức," ông kết luận, thừa nhận rằng tấm gương sống của Đức Thánh Cha chính là một lời mời gọi cho tất cả những ai đã từng cảm nhận đức tin như một lời cam kết phục vụ những người bé nhỏ nhất.

Dưới đây là toàn bộ bức tâm thư của Chili Obando.

CON GHÉT NGÀI, FRANCISCO

 

Con ghét ngài, Phanxicô, vì ngài không làm Giáo hoàng theo khuôn mẫu, mà trở thành một cơn chấn động.
Khi người ta mong đợi một vị quân vương, ngài lại xuất hiện với hương vị phố phường và Tin Mừng.

Con ghét ngài vì ngài từ bỏ ngai tòa Phêrô để cùng chúng con chen chúc trên chuyến xe buýt.
Con ghét ngài vì ngài không muốn sống trong cung điện,
vì ngài chọn một căn phòng nhỏ bé ở Nhà Santa Marta,
như thể sự khiêm nhường là vương miện duy nhất mà ngài quan tâm.

Con ghét ngài vì ngài ăn uống cùng nhân viên chứ không phải với các vị quân vương của Giáo hội,
vì ngài mở toang cánh cửa Vatican và để cho bùn đất nhân loại ùa vào.

Con ghét ngài vì ngài chọn tông hiệu Phanxicô, theo gương kẻ điên thành Assisi,
vì những kẻ điên, Phanxicô ạ, họ khuấy đảo linh hồn chúng ta.
Họ cho chúng ta thấy rằng tình yêu không phải là sự an nhàn, không phải là ngoại giao, cũng chẳng ấm êm.

Con ghét ngài vì ngài không nói như một Giáo hoàng,
mà như một người ông hiền từ, vuốt ve bằng lời nói và lay động bằng gương sáng.

Con ghét ngài vì ngài từng là Jorge,
là linh mục của ga tàu điện ngầm, của ly trà mate chia sẻ, của đôi chân rửa trong các khu ổ chuột.

Con ghét ngài vì ngài chẳng màng lấy lòng quyền lực,
mà chỉ sợ những người nghèo bị bỏ quên bên lề thế giới.

Con ghét ngài vì ngài không ngần ngại tống giam những kẻ lạm dụng,
trục xuất những vị hồng y tham nhũng, không sợ hãi, không toan tính.

Con ghét ngài vì ngài đã dám dọn dẹp ngôi nhà từ bên trong,
dù ai cũng biết điều đó sẽ gây đau đớn.

Con ghét ngài vì ngài nói những điều không ai dám nói.

Con ghét ngài vì ngài đã không trở về Argentina,
để chúng con mãi mỏi mòn trong hy vọng,
buộc chúng con phải yêu ngài từ xa, như người ta yêu một nỗi đau.

Con ghét ngài vì ngài là một tín đồ Peronista,
và con càng ghét hơn vì ngài chưa bao giờ xin lỗi về điều đó.
Vì chính sách của ngài là Tin Mừng, và điều ấy làm chúng con xao xuyến.

Con ghét ngài vì ngài kêu gọi chúng con chăm sóc người già và trẻ nhỏ,
vì ngài buộc chúng con nhìn sang hai bên khi chúng con chỉ thích ngước nhìn lên cao.

Con ghét ngài vì ngài kéo chúng con ra khỏi sự an toàn nơi giáo xứ,
đẩy chúng con ra đường đời lấm lem bùn đất, để tìm gặp con người.

Con ghét ngài vì ngài đề cao những cử chỉ nhỏ bé:
lời chào buổi sáng với người gác cổng, lời xin lỗi trong gia đình, cái ôm đến trước khi phán xét.

Con ghét ngài vì ngài mời gọi chúng con biết mơ,
mà mơ thì nguy hiểm, vì ai biết mơ thì không chấp nhận sự tầm thường.

Con ghét ngài vì ngài biến lòng thương xót thành ngọn cờ dẫn lối,
vì ngài mở cánh cửa Năm Thánh, nhắc chúng con rằng tha thứ là quyền của Thiên Chúa,
không phải phần thưởng cho người tốt.

Con ghét ngài vì ngài ôm lấy những tù nhân,
rửa chân họ, và tuyên bố rằng không ai bị lạc mất mãi mãi.

Con ghét ngài vì tại Lampedusa, ngài khóc cho những người di cư chết trên biển,
vì ngài thả những bông hoa xuống mặt nước như một lời xin lỗi cho tất cả những gì chúng con chưa làm.

Con ghét ngài vì ngài gọi Địa Trung Hải là nghĩa địa,
và điều đó khiến chúng con đau lòng.

Con ghét ngài vì ngài chưa bao giờ bỏ cuộc,
vì ở tuổi 88, ngồi trên xe lăn, ngài vẫn không ngừng bước đi, lên tiếng, yêu thương.

Con ghét ngài vì ngài làm được nhiều chỉ với một lá phổi hơn bao người với thân thể lành lặn.

Con ghét ngài vì ngài phong chức hồng y từ những vùng ngoại vi:
từ khu ổ chuột, từ châu Phi, châu Á, từ những nơi xa xôi nhất.
Vì ngài nhắc chúng con rằng trung tâm không ở trung tâm, mà ở nơi bờ cõi xa xôi.

Con ghét ngài vì ngài đã đảo ngược tấm bản đồ của chúng con.

Con ghét ngài vì trong Thượng Hội đồng, ngài xắn tay áo để lắng nghe nhiều hơn là lên tiếng.
Vì ngài không sợ mở ra những cuộc tranh luận,
và không sợ để Giáo hội mang gương mặt thật của Dân Chúa —
với tất cả những nghi ngờ, những tìm kiếm, những vết thương của họ.

Con ghét ngài vì ngài đã đến những nơi không ai đến.
Vì ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên đặt chân tới Iraq.
Vì ở Philippines, ngài đã quy tụ đám đông lớn nhất lịch sử —
không phải vì bản thân ngài, mà vì niềm hy vọng ngài mang đến.

Con ghét ngài vì trong Quốc hội Hoa Kỳ,
ngài nhắc họ rằng người di cư cũng có khuôn mặt, có tên tuổi.
Vì tại Liên Hiệp Quốc, ngài không nói về địa chính trị, mà nói về nhân loại.

Vì khi ngài hô vang “không chiến tranh,”
con cảm nhận rằng ngài đang nói với chính con,
với những con người bé nhỏ đã quá mỏi mệt trên thế gian này.

Con ghét ngài, Phanxicô,
vì ngài làm con tin trở lại rằng Giáo hội có thể giống Chúa Giêsu.
Vì ngài chỉ ra rằng quyền bính, nếu không để phục vụ, thì chẳng có giá trị gì.
Vì ngài để lại cho chúng con một Giáo hội mang hương thơm Tin Mừng,
chứ không phải mùi ngai ngái của tập tục cũ kỹ.

Con ghét ngài vì ánh mắt ngài mỉm cười,
và điều đó, chẳng ai có thể cưỡng lại được.

Vì giữa bùn đất, giữa biết bao sợ hãi và đau thương,
ngài vẫn tìm thấy sự dịu dàng.
Và chính điều ấy... cũng cứu độ.

Con ghét ngài, Phanxicô,
vì ngài đã mở đôi tay với những người đồng tính,
cộng đồng LGBT, những người bao năm bị loại trừ.
Vì khi người ta quay lưng,
ngài đã mở rộng vòng tay đón nhận.
Ngài không hỏi họ sống thế nào,
ngài chỉ hỏi: "Con có biết rằng con được Thiên Chúa yêu thương không?"

Con ghét ngài, Phanxicô,
vì ngài khiến người ta yêu ngài bằng một tình yêu mãnh liệt không thể nào quên.
Vì ngài cho chúng con thấy rằng tình yêu đích thực luôn bất an, lay động, và đòi hỏi.

Con ghét ngài vì cái chết của ngài không phải là một sự vắng mặt,
mà là một lời thách thức.

Con ghét ngài vì giờ đây ngài đã trở thành hạt giống.
Và hạt giống, Phanxicô, chúng con đều biết:
phải chôn mình trong lòng đất, chịu đau đớn, biến mất…
rồi bùng nở thành sự sống.

Giờ đây, con ghét ngài, Phanxicô,
vì con không còn có thể nhìn thế giới mà không tự hỏi:
“Nếu ngài còn ở đây, ngài sẽ làm gì?”

Và điều tệ hại nhất, Phanxicô...
là ngài đã để lại cho con câu trả lời.

Dịch từ tiếng Tây Ban Nha: Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD

Nguồn: https://laopinionaustral.com.ar/rio-gallegos/te-odio-francisco-la-desgarradora-carta-al-papa-de-juan-chili-obando-el-titular-de-caritas-en-rio-gallegos-525278.html?fbclid=IwY2xjawJ8BAhleHRuA2FlbQIxMQBicmlkETFtVDNMYU9XRjlac2xhWEpWAR665MAaAOH1PpJ0l5nM_WsnVrztXg-dPQmQqVWM0gJkHRIf0GgD6OtlQs5__w_aem_XI7hnjT3uYD-7RxeZIMbtQ

Thứ Ba, 28 tháng 1, 2025

 

Việt Nam: Tết Nguyên Đán Dưới Góc Nhìn Về Hội Nhập Văn Hóa

    Hôm nay là ngày cuối năm Âm Lịch Giáp Thìn, những thành phố lớn tại Việt Nam trở nên yên tĩnh hơn vì những người dân xa quê đã trở về với gia đình mình sum họp đón Tết. Dù nghèo hay giàu, trí thức hay bình dân, già hay trẻ nhưng mang trong người dòng máu Việt luôn thao thức trong lòng để đón mừng ngày Tết Cổ Truyền mà có đôi lần nhiều người muốn loại bỏ tập tục này vì nghĩ rằng hao tiền, tốn của.

    Tết Nguyên Đán của Việt Nam hay nói ngắn gọn là “Tết”, là một dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa Việt Nam, không chỉ là lễ hội mừng năm mới mà còn là dịp để người Việt tưởng nhớ ông bà tổ tiên, đoàn tụ gia đình, đón chào mùa xuân và thể hiện các giá trị văn hóa truyền thống. Dưới góc nhìn của hội nhập văn hóa, Tết Nguyên Đán là một lễ hội sinh động về cách các yếu tố văn hóa, tôn giáo và các yếu tố ngoại lai đã và đang được tiếp nhận, thích nghi và hòa nhập vào các truyền thống của người Việt Nam từ xa xưa đến nay.

Thật vậy, Tết có nguồn gốc từ các lễ hội mùa xuân và các phong tục thờ cúng tổ tiên, được ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Nho giáo và các tín ngưỡng bản địa của người Việt có từ lâu đời. Tuy nhiên, cho đến nay nhiều người ngoại quốc cứ lầm tưởng Tết Nguyên Đán Việt Nam là ăn theo của Chinese New Year (Tết Tàu) vì nước Việt chúng ta bị đô hộ bởi anh bạn láng giềng cả ngàn năm. Thật sự Tết Nguyên Đán của người Việt hoàn toàn khác với Tết Tàu vì ngay cả 12 con giáp chúng ta cũng khác nhiều (Tý-Sửu-Dần-Mẹo-Thìn-Tỵ-Ngọ-Mùi-Thân-Dậu-Tuất-Hợi), trong khi 12 con giáp của Tàu là Tý-Sửu-Dần-Thỏ-Thìn-Tỵ-Ngọ-Mùi-Thân-Dậu-Tuất-Hợi. Một trong những đặc trưng nổi bật của Tết là kính nhớ tổ tiên, ông bà cha mẹ và những người đã khuất, đây là cách để con cháu thể hiện lòng hiếu thảo và tưởng nhớ đến những người đang an nghỉ nơi suối vàng.

Mặc dù kính nhớ tổ tiên là một tập tục sâu sắc và in đậm trong văn hóa Việt Nam, nhưng nó đã hòa nhập với các tín ngưỡng tôn giáo khác, chẳng hạn như trong Công giáo và Phật giáo. Các gia đình Công giáo có thể kết hợp các nghi lễ thờ cúng tổ tiên với những lời cầu nguyện cho linh hồn của người đã khuất, vừa giữ gìn nét văn hóa Việt, vừa phản ánh sự hòa nhập giữa tôn giáo và văn hóa dân tộc.

    Với sự phát triển của Công giáo ở Việt Nam, nhiều gia đình Công giáo đã kết hợp các nghi thức tôn giáo của mình vào dịp Tết. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam với sự chuẩn thuận của Tòa Thánh đã có một nghi thức đặc biệt giành cho những ngày đầu năm Âm Lịch. Cụ thể là ngày mồng Mồng Một Tết giành riêng cho việc cầu bình an cho Năm Mới. Ngày Mồng Hai Tết Kính nhớ Ông Bà Tổ Tiên và ngày Mồng Ba Tết là ngày cầu cho công ăn việc làm. Việc đi lễ vào dịp đầu năm, cầu nguyện cho sự bình an, sức khỏe, và hạnh phúc, cũng được kết hợp với các phong tục kính nhớ tổ tiên truyền thống của người Việt. Sau thánh lễ Tân Niên, mọi người đều kéo ra nghĩa trang để mừng tuổi những người thân yêu đã mất nên những ngày Đầu Năm Mới phải nói là những ngày khá nhộn nhịp và vui vẻ tại các nghĩa trang Công giáo.

Các gia đình Công giáo có thể giữ những nghi lễ thờ cúng tổ tiên, nhưng đồng thời cũng tham gia các nghi lễ Công giáo để cầu xin sự che chở của Thiên Chúa, tạo nên một sự hòa hợp giữa niềm tin tôn giáo và những phong tục văn hóa truyền thống.

Bên cạnh đó, Phật giáo đã có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tâm linh của người Việt trong suốt dòng lịch sử. Trong dịp Tết Nguyên Đán, nhiều người Việt đi chùa cầu bình an, sức khỏe, xin tài lộc cho năm mới. Các giá trị về nghiệp báo (karma) và sự thanh tịnh tâm hồn là những yếu tố quan trọng trong các lời cầu nguyện vào những ngày Tết Nguyên Đán của các phật tử.

Quả thực, Phật giáo đã ăn sâu vào các nghi lễ truyền thống của người Việt, chẳng hạn như dọn dẹp nhà cửa trước Tết để "tẩy uế", "làm mới" không gian sống và tinh thần, đây là một biểu hiện của Phật giáo về việc xóa bỏ những điều xấu và bắt đầu một năm mới tốt đẹp. Trong bối cảnh hội nhập văn hóa, Tết Nguyên Đán trở thành dịp để các phật tử thể hiện các giá trị Phật giáo nhưng vẫn giữ nguyên các phong tục Việt Nam truyền thống như cúng ông Công, ông Táo, hay kính nhớ tổ tiên.

Như đã nói ở trên, Tết Nguyên Đán của người Việt chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Nho giáo và các tín ngưỡng bản địa của người Việt có từ lâu đời. Nho giáo ảnh hưởng sâu sắc đến các giá trị gia đình và xã hội của người Việt, đặc biệt là trong dịp Tết Cổ Truyền của dân tộc Việt. Hiếu thảo là một trong những giá trị trọng yếu, thể hiện qua các hành động như thăm viếng ông bà, cha mẹ, tặng quà, và kính nhớ tổ tiên. Sự đoàn tụ gia đình và sự tôn trọng người lớn tuổi là các yếu tố quan trọng trong các nghi lễ của những ngày Tết.

Các giá trị hiếu thảo và gắn kết với gia đình của Nho giáo vẫn được duy trì mạnh mẽ trong ngày Tết. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội hiện đại, những giá trị này cũng hòa nhập với các xu hướng hiện đại và toàn cầu như việc tặng quà không chỉ mang ý nghĩa văn hóa mà còn là biểu hiện của sự thịnh vượng và gắn kết trong các mối quan hệ cá nhân và xã hội. Những người Việt Nam sống ở hải ngoại cũng duy trì những nghi lễ này để nhắc nhở cho con cháu thuộc thế hệ F1, F2 nhớ về cội nguồn và truyền thống cha ông nhưng có thể kết hợp với những lễ nghi của quốc gia mà họ đang sống tạo nên sự giao thoa văn hóa giữa truyền thống và hiện đại.

Tuy nhiên, với sự phát tiển của công nghệ 4.0, nhiều giá trị truyền thống đã và đang thay đổi để phù hợp với xu thế hiện thời. Dù nhiều người phản bác và cho rằng chuẩn bị cho những ngày Tết Nguyên Đán quá tốn kém và mất nhiều thời gian. Chi bằng nên ăn theo Tết Tây cho khỏi phải tốn hao tiền của. Người xưa nói khi nào văn hóa còn thì đất nước còn. Nếu chúng ta quá dễ dãi trong việc cổ xúy những gì được cho là ‘nhất cử lưỡng tiện’ mà quên đi cội nguồn văn hóa mà cha ông đã gìn giữ hơn bốn ngàn năm văn hiến thì chúng ta đang tự đánh mất mình.

Trong thế giới toàn cầu hóa, Tết Nguyên Đán đã có những thay đổi lớn, đặc biệt là ở các thành phố lớn và trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Sự toàn cầu hóa đã tác động mạnh đến những ngày Tết, khiến lễ hội này không chỉ còn là một dịp lễ của người Việt mà còn là một phần trong đời sống văn hóa của nhiều quốc gia khác. Những ảnh hưởng từ châu Âu, Mỹ, và các quốc gia khác khiến Tết có thêm những yếu tố mới như mua sắm Tết, tổ chức các sự kiện lớn, và việc mọi người du lịch trong dịp Tết.

Thật sự, Tết Nguyên Đán của người Việt ngày nay đã không chỉ giới hạn trong khuôn khổ các nghi lễ truyền thống mà còn có sự hiện diện mạnh mẽ của các yếu tố văn hóa thế giới như giới thiệu ẩm thực, tổ chức lễ hội, và quà tặng mang tính toàn cầu. Sự thay đổi này phản ánh sự hòa nhập và phát triển của Tết trong bối cảnh văn hóa đa dạng và phong phú.

Với sự phát triển của công nghệ và các xu hướng văn hóa toàn cầu, Tết Nguyên Đán hiện nay cũng có sự thay đổi trong cách thức đón mừng và tổ chức. Các sự kiện trực tuyến và thương mại điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu trong Tết, đặc biệt là khi người dân có thể mua sắm, tặng quà qua các nền tảng trực tuyến, làm cho lễ hội này không còn bó hẹp trong khuôn khổ gia đình mà mở rộng ra toàn xã hội.

Tết Nguyên Đán  hiện đại phản ánh sự hòa nhập văn hóa mạnh mẽ giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại, nơi mà các giá trị cốt lõi của Tết Cổ Truyền vẫn được giữ gìn nhưng đồng thời tiếp nhận những ảnh hưởng của công nghệ và xu hướng toàn cầu.

Dưới góc nhìn về hội nhập văn hóa, Tết Nguyên Đán là một minh chứng sống động cho sự linh hoạt và tinh tế trong việc tiếp thu các yếu tố văn hóa bên ngoài mà vẫn giữ vững các giá trị cốt lõi của mình. Tết Nguyên Đán không chỉ là dịp để người Việt tôn vinh tổ tiên, gia đình và các giá trị văn hóa truyền thống mà còn là thời gian để hòa nhập và làm giàu thêm bản sắc văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và xã hội hiện đại. Chúc mừng Năm Mới Ất Tỵ đến tất cả mọi người.

Philippines, Những Giờ Phút Trước Giao Thừa Giáp Thìn – Ất Tỵ,

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD